Miệng thì chê nhưng ngày nào cũng cầm bát sang xin đều đều.
Chắc là ai đang chăm con nhỏ đều sẽ có đôi lần va chạm với mấy bà hàng xóm. Tôi là đứa ít khi giao lưu với láng giềng ấy vậy mà đợt này cũng không tránh nổi.
Tôi sinh đứa thứ 2 cách đứa đầu đúng tròn 10 năm mà chỉ có vỏn vẹn 10 năm thôi cách nuôi 1 đứa trẻ nó đã khác rất nhiều. Đấy là cùng 1 mẹ, chỉ là cách nhau khoảng thời gian hơi dài chút thôi mà đã khác biệt lớn đến thế thì các bà, các mẹ nuôi con cách đây cả mấy chục năm tất nhiên không thể giống nhau được rồi.
Bởi vậy mới nói, thế hệ đi trước đừng bắt các mẹ đang nuôi con nhỏ hiện tại phải nuôi con giống mình ngày xưa. Hoàn cảnh không giống, điều kiện kinh tế cũng không giống thì sao lại cứ lôi cái câu “ngày xưa tao nuôi con” ra để nói làm gì.
Tôi được cái may mắn là mẹ chồng tôi tân tiến lắm, bà kệ tôi muốn nuôi con kiểu gì thì nuôi nhưng những người như thế không hiểu sao người ta lại biết rất nhiều. Mẹ chồng tôi cứ âm thầm tìm hiểu cách chăm sóc trẻ trên các nhóm hội uy tín, thậm chí còn hỏi cả các bác sĩ để có thể hỗ trợ con cái chăm sóc cháu nhỏ khi cần cơ.
Mẹ chồng tôi đặc biệt không bao giờ soi mói tôi chăm sóc con nhỏ thế nào, bà bảo chỉ có mẹ nó mới biết nó cần gì nên bà không can thiệp. Chỉ khi nào tôi không biết phải làm sao thì bà mới ra tay mà cứ ra tay là đâu lại vào đấy ngay.
Ấy thế nhưng đời nhiều cái rất buồn cười, mẹ chồng và mẹ đẻ của tôi không dạy tôi cách làm mẹ nhưng bà hàng xóm lại rất hay sang chỉ đạo tôi cách nuôi con.
Tôi không sống chung với mẹ chồng nhưng nhà ông bà cách nhà vợ chồng tôi 1 tổ dân phố thôi. Cứ khi nào tôi chửa đẻ thì bà hay sang hỗ trợ chăm sóc bé chứ bình thường dù ở gần thế nhưng bà chẳng bao giờ sang đâu, bà sợ mang tiếng thích can thiệp gia đình con cái nên ít khi sang chơi lắm. Gần nhà tôi thì có bà hàng xóm bằng tuổi mẹ chồng tôi luôn nhưng nếu chỉ nhìn ngoại hình không xem giấy tờ tùy thân thì đầy người tưởng bà hàng xóm đáng tuổi cô, tuổi bác của mẹ chồng tôi.
Mẹ chồng tôi rất chú trọng ngoại hình và sức khỏe nên bà trẻ trung vô cùng, mặc dù 53 tuổi nhưng nhìn vào ai cũng chỉ đoán mẹ tôi U40 thôi. Ngược lại bà hàng xóm nhà tôi thì 53 tuổi nhìn cứ như hơn 70 tuổi rồi ấy. Bà hàng xóm lại còn đặc biệt thích tỏ ra mình là “già làng”.
Mặc dù bằng tuổi mẹ chồng tôi nhưng từ lúc tôi chưa sinh con bà ấy đã bắt tôi phải gọi bằng “bà” rồi. Thật sự không hiểu sao trên đời này lại có người thích được già hơn tuổi nữa cơ.
Bà hàng xóm có 6 đứa cháu cả nội lẫn ngoại nhưng chỉ có duy nhất 1 đứa cháu trai. Thế nhưng trong 6 đứa ấy tôi lại rất quý 5 đứa cháu gái thôi chứ thằng cháu nội nhà ấy mới 4 tuổi mà hư hỗn vô cùng.
Có lần bà ấy bế nó sang nhà tôi chơi, vừa xểnh mắt ra một cái nó đã cướp đồ của con tôi, không được thì nó cầm đồ đập thẳng vào mặt thằng bé. Nói chung là thằng bé ấy nó rất hư hỗn, mà hư hỗn là điều đương nhiên vì 4 tuổi rồi không đi học mẫu giáo, chỉ ở nhà với bà. Bà thì chiều kinh khủng khiếp, không hư mới là lạ.
Bé nhà tôi 19 tháng nặng 15kg, cao 88cm. Con nhà tôi đi trẻ từ năm 1 tuổi. Tôi còn nhớ hồi ấy khi thấy tôi ngày nào cũng địu con đi trẻ, bà hàng xóm đi buôn khắp nơi là tôi lười, sợ chăm con nên đầy đọa, bắt thằng bé đi trẻ sớm.
Lại nói về cháu nội của bà ấy, tôi không có ý so sánh nhưng thật sự thằng bé ở trong tình trạng sức khỏe cần phải được hỗ trợ từ các bác sĩ, mặc dù đã 4 tuổi rồi nhưng chỉ có 11kg, ốm đau liên miên nhưng cứ ốm là bà ấy bế cháu ra hàng thuốc mua kháng sinh chứ không bao giờ thèm đi khám hay hỏi ý kiến bác sĩ cả.
Thôi thì người ta chăm con chăm cháu như thế nào kệ người ta, tôi học được từ mẹ chồng là không góp công, không góp của cũng đừng có hở tí là góp ý. Thế nhưng bà hàng xóm thì lại không thấu hiểu cái đạo lý ấy chút nào.
Tôi hay nấu cho con ăn mỗi khi bé ở nhà chứ không cho ăn hàng nhiều. Thường thì bé nhà tôi ăn cơm theo người lớn nhưng buổi sáng tôi hay cắm sẵn nồi cháo cho con ăn.
Hôm ấy vừa mang bát cháo ra thì bác hàng xóm bế cháu sang chơi. Nhìn thấy bát cháo của con tôi bà ấy bắt đâu bĩu dài môi để chê.
“Mày nấu cám cho con ăn à? Nó chưa được 2 tuổi phải xay nhỏ ra cho nó, bắt nó ăn nguyên miếng thịt thế kia nó ăn làm sao được?”
Bỗng nhiên lúc ấy tôi lại vui miệng bảo thế để cháu múc cho thằng nhà bà 1 bát xem nó có ăn không nhé. Ai ngờ thằng bé nó ăn hết veo!
Tôi đang nghĩ thầm trong bụng không biết định chê cái gì nữa không thì bà hàng xóm vỗ đùi đen đét.
“Bà nấu đồ ngon thì mày không ăn lại thích ăn đồ nhạt thếch thế này à? Thế từ nay đỡ phải nấu sang xin cô về ăn nhé!”
Lúc ấy tôi tưởng bà hàng xóm nói đùa, ai ngờ đến tối bà vác bát sang xin thật. Tối thì con tôi ăn cơm nên còn thừa cháo từ sáng tôi cũng múc nốt cho.
Tưởng thế là xong, sáng hôm sau gà còn chưa gáy bà hàng xóm đã bấm chuông cầm bát sẵn để xin cháo rồi. Tôi bảo hôm nay con tôi về ngoại chơi nên không nấu ở nhà thì bà ấy lại tặc lưỡi lắc đầu chê tôi lười!
Sang đến ngày thứ 3, tôi tưởng là bà ấy sẽ thôi nhưng bất ngờ không, buổi trưa bà ấy lại vác bát sang xin cháo với lý do cháu bà ấy đòi ăn cháo tôi nấu bằng được.
Lần này tôi nói thẳng là tôi rất bận không có thời gian chăm sóc con cháu nhà người khác. Từ nay tôi tiện thì cho còn không thì bà đừng sang đòi như thế, ai cũng có công có việc cả.
Nói xong bà ấy vùng vằng bỏ về vừa đi vừa chửi đổng “có bát cháo làm như báu lắm”. Tôi nghe được chỉ biết lắc đâu ngao ngán, đúng là không phải người già nào cũng đáng kính thật!
https://phunuvietnam.vn/hang-xom-che-toi-nau-cam-cho-con-an-nhung-ngay-nao-cung-cam-bat-sang-xin-ve-cho-chau-20240915141825458.htm