Vụ l::ộ đ/ề toán thi tốt nghiệp THPT: Có thể x/ử l/ý ra sao?

Vụ l::ộ đ/ề toán thi tốt nghiệp THPT: Có thể x/ử l/ý ra sao?

– Theo luật sư, thí sinh làm lộ đề trong thời gian làm bài thi thuộc trường hợp làm lộ bí mật nhà nước độ tối mật, có thể bị xử lý theo khoản 2, Điều 338 Bộ luật Hình sự 2015.

Liên quan tới vụ lộ đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn toán xảy ra tại Hà Nội ngày 26/6, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước để điều tra.

Theo công an, tại buổi thi môn Toán ngày 26/6, thí sinh N.V.K. đã lén mang điện thoại vào phòng thi, chụp ảnh một phần đề thi và đăng lên ứng dụng StudyX để giải đề. Tại các buổi thi môn hóa học và vật lý ngày 27/6, K. cũng chụp ảnh và đăng tải đề thi.

Mở rộng điều tra, công an xác định một thí sinh khác cũng gian lận thi cử là L.T.M.A. khi thí sinh này đã chụp ảnh đề thi môn toán, lịch sử, tiếng Anh rồi sử dụng ứng dụng AI Gemini để giải đề thi. Hội đồng coi thi đã phát hiện, lập biên bản vi phạm quy chế thi, đình chỉ thi.
Thí sinh vi phạm làm việc với cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Từ việc các em học sinh còn rất trẻ đã đứng trước nguy cơ vướng lao lý, nhiều người không khỏi xót xa. Độc giả Do Bui Sy viết: “Thấy các cháu trước nguy cơ bị khởi tố khi còn quá trẻ mà xót xa. Nhưng nếu không làm việc, các cháu lại ngỡ pháp luật chỉ là trò đùa, chỉ để “dọa cho oai””.

“Tuổi trẻ, tư duy nông cạn, vốn kiến thức thiếu đủ thứ nhưng riêng máu liều thì lúc nào cũng thừa. Nhìn các em ngồi làm việc với cơ quan công an mà tôi không khỏi buồn lòng, bởi các em còn quá trẻ để phải vướng vào lao lý, khi còn cả một cuộc đời phía trước.

Luật pháp nghiêm minh, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý nhưng cũng rất khoan hồng, khi luôn tạo đường lùi, mở ra cánh cửa cho những cá nhân lầm lỡ làm lại cuộc đời. Tôi ủng hộ việc công an xử lý các thí sinh vi phạm nhằm đảm bảo tính răn đe, song tôi cũng chờ đợi một bản án có đủ sự bao dung và vị tha để các em còn cơ hội làm lại cuộc đời”, chủ tài khoản Jacky Tran viết.

Vậy theo quy định của pháp luật, với hành vi như trên, các thí sinh có thể phải chịu trách nhiệm ra sao?

Luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, bí mật nhà nước được xác định là thông tin có nội dung quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật này, chưa công khai. Nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Còn theo Quyết định số 531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, danh mục tài liệu thuộc nhóm bí mật nhà nước độ tối mật bao gồm: (i) Đề thi chính thức, dự bị, đáp án đề thi chính thức, dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai và (ii) Thông tin về người thuộc quân đội, công an, Cơ yếu được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài cần được bảo vệ theo yêu cầu của bên cử đi đào tạo.

“Có thể hiểu các tài liệu mật chưa công khai là những tài liệu chứa thông tin quan trọng, chưa được phép công bố rộng rãi, khi bị tiết lộ có thể gây hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Với trường hợp đề thi THPT quốc gia bị lộ trong thời gian làm bài thi, dù đề thi đã được xé niêm phong nhưng để nhằm phục vụ cho hoạt động thi cử và chưa được công bố rộng rãi khi chưa hết thời gian thi, thuộc trường hợp tài liệu chưa công khai.

Bởi vậy, hành vi làm lộ nội dung đề thi trong thời gian này thuộc trường hợp làm lộ bí mật nhà nước độ tối mật, căn cứ Quyết định số 531/QĐ-TTg và có thể bị xử lý hình sự về tội Vô ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 338 Bộ luật Hình sự 2015”, luật sư bình luận.

Theo quy định tại khoản 2 Điều này, người làm lộ bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật có thể đối diện khung hình phạt 2-7 năm tù.
Một phần đề thi bị thí sinh chụp lại, đăng lên ứng dụng AI để nhờ “trợ giúp” (Ảnh chụp màn hình).

Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi tội phạm do mình gây ra, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Do đó, việc thí sinh vi phạm đã đủ 18 tuổi hay chưa không phải căn cứ xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về cơ chế áp dụng hình phạt đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi vi phạm, Điều 101 Bộ luật này quy định nếu người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội với khung hình phạt là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Do đó, đối chiếu khung hình phạt theo khoản 2, Điều 338 Bộ luật Hình sự 2015, người chưa đủ 18 tuổi nếu bị xử lý hình sự sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là 5 năm 3 tháng tù.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, có thể xem xét áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, căn cứ Điều 54 Bộ luật này.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *