Những nguyên tắc cần thuộc lòng về lốp xe

Chăm sóc, bảo dưỡng hay thay lốp định kỳ là những yếu tố an toàn tài xế Việt không nên bỏ qua khi sử dụng  xe.

Lốp là chi tiết quan trọng bậc nhất trên ôtô bởi đóng vai trò chịu lực, kết nối xe với mặt đường, là “đầu ra” của mọi công nghệ vận hành mà chiếc  xe có cũng như đóng vai trò lớn mang lại sự an toàn khi di chuyển. Tuy quan trọng vậy, nhưng nhiều chuyên gia kỹ thuật ở các garage chính hãng cũng như xưởng bên ngoài đều cho rằng tài xế ở Việt Nam chưa có nhận thức đúng đắn về bộ phận này.

Dưới đây là những nguyên tắc cần nhớ khi sử dụng lốp xe, theo các chuyên gia kỹ thuật.

Bơm đúng áp suất lốp

Khi xe chạy trên đường, lốp liên tục trong trạng thái co giãn cục bộ theo tốc độ quay và theo bề mặt đường. Lốp quá căng hoặc quá non đều khiến việc lái xe mất an toàn.

Lốp non hơi (thiếu áp suất) dẫn tới độ cứng thấp, do đó quá trình biến dạng nhanh và mạnh, làm tăng tốc độ phá hủy mặt lốp, hoặc làm giảm chức năng của lốp, mất an toàn. Sau thời gian dài, lốp sẽ bị mòn, mỏng và có thể gây nổ khi bơm căng trở lại.

Ngoài ra, lốp non hơi làm tăng lực cản do bề mặt lốp tiếp xúc nhiều hơn, sinh ma sát lớn, dẫn đến động cơ hoạt động nhiều hơn khiến xe tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn.

Ngược lại, lốp quá căng (thừa áp suất) sẽ làm tăng độ đàn hồi giữa lốp với bề mặt đường, lốp có xu hướng “nảy” trên đường, vì thế giảm độ bám đường, tăng độ xóc. Bên cạnh đó, ma sát khiến lốp và khối không khí bên trong nóng lên, áp suất tác động lên thành lốp càng lớn, gây nổ lốp, nhất là với các loại lốp đã xuống cấp.

Vì những lý do này, người sử dụng cần bơm đúng loại áp suất lốp của xe mình. Cách biết xe bơm áp suất lốp bao nhiêu đơn giản nhất là nhìn ở tấm dán trên hông cánh cửa tài xế, hoặc trong sách hướng dẫn sử dụng. Tùy từng loại lốp, từng hãng lốp có mức áp suất quy định khác nhau.

Kiểm tra, bảo dưỡng lốp đúng lịch

Các chuyên gia khuyến cáo, nên kiểm tra bề mặt lốp trước mỗi chuyến đi. Việc kiểm tra bề mặt lốp vô cùng nhanh chóng, đơn giản và có thể tự thực hiện. Kiểm tra bề mặt lốp không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà quan trọng hơn là giúp an toàn trên mọi chặng đường.

Lốp xe có thể chia thành hai khu vực, hoa lốp và hai bên hông lốp. Hoa lốp có nhiều rãnh và là khu vực tiếp xúc mặt đường, trong khi hông lốp là hai bên thành lốp. Việc kiểm tra bề mặt lốp nên bắt đầu từ hai bên hông, xem có vết rạn nứt, vết phồng rộp hay vết cắt, một trong những nguy cơ gây nổ lốp.

Mặt lốp dày hơn rất nhiều so với hông lốp, vì vậy thường  xe nổ lốp ở vị trí bên hông chứ không phải trên mặt lốp.Tài xế không được chủ quan chỉ nhìn mặt lốp mà không nhìn hông lốp.

Hoa lốp là nơi tiếp xúc với mặt đường khi xe lăn  bánh. Nếu sử dụng thường xuyên hàng năm tương đương khoảng từ 12.000-20.000 km, hoa lốp sẽ mòn trước khi lớp cao su tổng hợp của lốp bị thoái hóa. Tốc độ hao mòn tăng nếu không duy trì áp suất lốp theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Lốp mòn nhiều ở giữa nếu áp suất quá cao, người lại lốp non sẽ làm mòn hai bên mép.

Rãnh lốp (khe giữa các hoa lốp) thường có chiều cao tiêu chuẩn thấp nhất khoảng 1,6 mm. Vì vậy nếu thấy rãnh đã nông hơn, cần thay lốp.

Trong quá trình kiểm tra bằng mắt cũng có thể phát hiện những dị vật như đinh, đá… có thể gây thủng lốp. Ngoài ra, các hạt sỏi bám trên hoa lốp cũng làm tăng độ ồn.

Bên cạnh kiểm tra bằng mắt, việc đảo lốp và thay lốp theo khuyến cáo của nhà sản xuất giúp kéo dài tuổi thọ lốp và tăng độ an toàn. Tùy nhà sản xuất, đảo lốp sau mỗi 10.000 km và thay lốp sau khoảng 60.000-100.000 km.

Cách xử lý khi bị nổ lốp

Điều tiên quyết khi lốp xe bất ngờ phát nổ trên đường là giữ bình tĩnh, ghì chặt vô-lăng và không được đạp phanh bất ngờ. Thậm chí, có thể mồi thêm chút ga để giữ cho xe chạy thẳng. Thông thường, nổ lốp phía trước sẽ dễ gây mất lái hơn nổ lốp phía sau, vì liên quan tới cơ cấu đánh lái.

Hai tay giữ chặt vô-lăng, mắt nhìn thẳng quan sát phía trước và hai bên gương hậu, từ từ hướng xe vào lề đường. Sau khi ổn định thì giảm tốc độ, nhả chân ga cho xe chạy theo quán tính. Lúc này chân rà phanh nhẹ cho xe giảm tốc độ, đưa xe vào lề phải.

Chú ý, không bao giờ dừng xe bên lề trái, đặc biệt là trên đường cao tốc vì đó là làn xe chạy rất nhanh. Khi xe dừng hẳn, bật đèn cảnh báo nguy hiểm, xuống xe kiểm tra tình trạng xe, đặt vật cảnh báo cho các phương tiện khác biết. Cuối cùng, tự thay lốp dự phòng hoặc gọi cứu hộ nếu cần.

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *