Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đề xuất hỗ trợ thêm 2 nhóm người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Ngày 15 tháng 5 năm 2025, báo Lao động đưa tin “Người già không lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp mới từ 1.7”. Nội dung như sau:
Hiện chính sách hỗ trợ người cao tuổi được thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 76/2024/NĐ-CP.
Theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, có 4 nhóm người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Một là, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Hai là, người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (không thuộc trường hợp thứ nhất) đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Ba là, người từ đủ 80 tuổi trở lên (không thuộc trường hợp thứ nhất) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.
Bốn là, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Từ ngày 1.7 trở đi, Luật bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực, bổ sung thêm trợ cấp hưu trí xã hội dành cho người cao tuổi.
Hiện Chính phủ đã có dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 về trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo dự thảo, có 2 nhóm người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Thứ nhất là nhóm từ đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Thứ hai là nhóm từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Đồng thời với việc bổ sung 2 nhóm người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội như trên thì 2 nhóm người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (nhóm thứ hai và thứ ba theo Điều 5 Nghị định 20) bị bãi bỏ. 2 nhóm này chuyển sang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi hàng tháng từ 1.7.2025. Ảnh: Hương Nha
Ngày 2 tháng 4 năm 2025, báo Tuổi trẻ online đưa tin “Đề xuất điều kiện hưởng lương hưu mới từ ngày 1-7″. Nội dung như sau:
Người nhận lương hưu tại một điểm chi trả trực tiếp tại quận Ba Đình, Hà Nội – Ảnh: THÚY TRANG
Bộ Nội vụ đang dự thảo thông tư quy định chi tiết thời điểm, việc tính và xác định hưởng lương với từng trường hợp hưu trí theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mới.
Theo đó, người đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương thức 3 tháng/lần, 6 tháng/lần, 12 tháng/lần, hoặc một lần cho nhiều năm về sau theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì thời điểm xét điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Phương án 1 là tháng cuối cùng của phương thức đóng nêu trên (cho dù trước đó đã đủ điều kiện tuổi đời và thời gian đóng).
Ví dụ, ông Phan Văn A sinh ngày 2-9-1965 và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đến tháng 8-2025, ông A chọn đóng một lần cho 3 năm về sau và đã đóng cho giai đoạn từ tháng 8-2025 đến tháng 7-2028.
Tháng 6-2027, ông A đủ tuổi nghỉ hưu và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Như vậy, thời điểm xét điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí đối với ông là thời gian đã đóng đến tháng 7-2028.
Phương án 2 là tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện về tuổi đời và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Chuyên gia của Bộ Nội vụ phân tích việc này phát sinh hai trường hợp.
Một là ghi nhận thời gian đóng đến thời điểm đề nghị hưởng lương hưu và hoàn trả số tháng đã đóng sau đó.
Hai là ghi nhận thời gian đã đóng đến hết phương thức đóng.
Ví dụ, ông Hà Văn B sinh ngày 2-9-1965 và tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đến tháng 8-2025, ông B đăng ký phương thức đóng một lần cho ba năm về sau và đã đóng cho giai đoạn từ tháng 8-2025 đến tháng 7-2028.
Tháng 6-2027, ông B đủ tuổi nghỉ hưu và có yêu cầu hưởng lương hưu.
Như vậy, thời điểm xét điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ hưu trí đối với ông B là thời gian đóng tính đến tháng 7-2028.
Theo tờ trình, Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Bộ Nội vụ) lưu ý trường hợp người đóng bảo hiểm xã hội không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 1-1 của năm sinh để xác định điều kiện tuổi đời để hưởng lương hưu.
Thông tư được đề xuất áp dụng từ ngày 1-7-2025.
3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cả nước có trên 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Mức bình quân hưởng lương hưu của người lao động là gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho tới khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028, nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Đến năm 2025, tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi 3 tháng, còn với nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/nguoi-gia-khong-luong-huu-se-duoc-huong-tro-cap-moi-tu-17-1507417.ldo
https://tuoitre.vn/de-xuat-dieu-kien-huong-luong-huu-moi-tu-ngay-1-7-20250401160926156.htm