Sở GD-ĐT Hà Nội ra văn bản hướng dẫn dạy, học thêm

Thông tin này được đăng tải trên báo VietNamNet ngày 11/2/2025. Bài viết có tiêu đề: “Sở GD-ĐT Hà Nội ra văn bản hướng dẫn dạy, học thêm”. Nội dung cụ thể như sau:

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn việc dạy học thêm trong nhà trường. Cụ thể, Sở đề nghị Phòng GD-ĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm GDNN-GDTX thực hiện nghiêm túc các nội dung Thông tư số 29 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Sở cũng yêu cầu địa phương, các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy học thêm theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ sở phải thông tin kịp thời về Sở thông qua phòng Giáo dục trung học.

hình ảnh

Ảnh minh họa, nguồn: DSD

Trước đó, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó nêu các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Cụ thể, giáo viên, nhà trường không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. 

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường cũng không được dạy thêm ngoài trường có thu tiền đối với học sinh mình đang dạy.

Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Về kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm, 3 đối tượng này thuộc trách nhiệm của nhà trường phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục của nhà trường, bảo đảm quyền lợi của tất cả các học sinh phải đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình và không thu  tiền học của học sinh.

Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm); không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường…

hình ảnh

Mời bà con đọc thêm thông tin: Nhiều giáo viên dừng dạy thêm học sinh tiểu học

Từ trước tết mấy tuần, khi thông tin xung quanh Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm bắt đầu nóng dần, chị Ngọc An (tên nhân vật được thay đổi), có con học tiểu học ở Q.1 (TP.HCM), nhận được thông tin lớp học thêm buổi chiều tối các môn toán, tiếng Việt của con sẽ tạm nghỉ. Cho đến nay, lớp vẫn chưa được mở lại. Tuy nhiên, chị vẫn đưa con tới học tiếng Anh tại một trung tâm. Ở đây, lớp học vẫn được tổ chức bình thường.

Tương tự, mấy tuần qua, cô Ngọc Bích (tên được thay đổi), giáo viên (GV) tiếng Anh tại Hưng Yên đã dừng lớp tiếng Anh cho học sinh (HS) tiểu học vì sợ vi phạm Thông tư 29, chỉ duy trì các lớp cho HS bậc THCS và THPT để ôn thi các chứng chỉ, thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT. Đây đều không phải HS do cô Bích dạy chính khóa (cô dạy chính khóa bậc tiểu học). Là GV trường công lập nên cô Bích không thể tổ chức dạy thêm, học thêm, song cô đi dạy thêm ở cơ sở có đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ.

Cô Bích khẳng định Thông tư 29 rất hay ở điểm “GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”. Điều này sẽ loại bỏ được việc “ép” HS đi học thêm.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Tuy nhiên cô Bích rất băn khoăn khi khoản 1, điều 4 Thông tư 29 quy định “không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống” nhưng không hề nhắc tới ngoại ngữ ở nhóm được “trừ” này.

Cô Bích cũng chỉ ra một vấn đề là hiện nay sĩ số mỗi lớp rất đông, không phải ở đâu cũng đáp ứng dưới 35 HS/lớp như điều lệ trường tiểu học, trong khi GV tiếng Anh trong trường công thì tuyển rất khó, có trường còn thiếu. “Mỗi tiết tiếng Anh trên trường chỉ 35 phút, sẽ là thách thức lớn nếu muốn HS tiểu học chỉ học trên trường mà có thể giỏi tiếng Anh, nhất là để đáp ứng các kỳ thi, bài khảo sát để vào lớp 6 các trường tốp đầu”, cô Bích cho hay.

Một GV dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học công lập tại TP.HCM cũng băn khoăn về việc ngoài giờ làm ở trường, cô ký hợp đồng đi dạy ở một trung tâm tiếng Anh và việc tuyển sinh hoàn toàn do trung tâm thực hiện. Chương trình cô dạy tại trung tâm tiếng Anh theo các giáo trình khác với sách giáo khoa hiện hành, giúp HS thi các chứng chỉ như Starters, Movers hay IELTS… Vậy việc làm thêm của cô có bị tính là tham gia đi dạy thêm phải tuân thủ quy định tại Thông tư 29 hay không?

Nguồn: https://www.webtretho.com/p/so-gddt-ha-noi-ra-van-ban-huong-dan-day-hoc-them

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *