Các anh chị em trong nhà ngăn cản thì bố chồng tôi đòi đuổi hết mọi người. Giờ thì bà ta đòi danh phận nên ông muốn vợ chồng tôi làm buổi lễ để đón bà ta về.
Năm nay tôi 37 tuổi, hiện tôi là giáo viên mầm non. Tôi đã lập gia đình hơn mười năm, và có một cháu trai đang học lớp bảy. Chồng tôi là nhân viên kĩ thuật của một công ty vật liệu xây dựng. Anh là con trai cả trong một gia đình có 6 anh chị em, ba trai ba gái. Những ngày đầu khi chúng tôi mới kết hôn, bố mẹ chồng cũng đã nói rất rõ ràng là ngôi nhà cổ hiện cả gia đình đang ở (quê tôi gọi là nhà từ đường) là của cậu con trai út.Anh em trong nhà không ai có ý kiến gì. Sau một năm ở cùng bố mẹ anh, vợ chồng chúng tôi ra riêng. Anh em trong nhà cũng lần lượt lập gia đình và ổn định cuộc sống.
Ba năm trước, đúng vào ngày quốc tế lao động, cậu em chồng tôi mất vì tai nạn giao thông. Khi đó cậu ấy vừa mới tốt nghiệp và đi làm được hơn hai tháng. Mẹ chồng tôi vì quá thương con nên bà suy sụp rất nhanh, bệnh nặng rồi qua đời một năm sau đó. Ngôi nhà từ đường giờ chỉ còn lại bố chồng tuổi đã ngoài 75. Ông sống thui thủi một mình không ai chăm sóc, ai cũng bận rộn với công việc và gia đình riêng. Anh em nhiều lần họp gia đình, nhưng không ai chịu về sống với bố. Ông cũng nhất quyết không đến ở với ai.
Bàn tới bàn lui, tranh cãi giận dỗi cuối cùng mọi người thống nhất chồng tôi là con trai cả phải có trách nhiệm nhiều nhất. Chồng tôi vì thương bố nên anh không có nhiều ý kiến. Tôi với anh cũng mâu thuẫn vì thật lòng tôi không muốn chuyển nhà, tôi cảm thấy thật nặng nề với trách nhiệm mới.
Tôi về sống trong nhà của bố chồng, chỉ nói đến việc giỗ chạp cũng làm tôi chóng cả mặt. (Ảnh minh họa)
Anh cứ năn nỉ tôi mãi, anh nói anh không thể nào chịu đựng được khi mỗi lần về thăm nhà là thấy bố sống lặng lẽ, bệnh đau không ai bên cạnh. Anh cứ than thở ngày đêm, thương chồng nên tôi về nhà từ đường cùng anh. Căn nhà riêng của hai vợ chồng đành cho đứa em họ ở tạm. Cuộc sống mới thêm khó khăn khi chúng tôi chuyển trường cho con, cả tôi và anh đều đi làm xa hơn. Chúng tôi còn phải tự bỏ tiền tu sửa lại nhà mới vì không ai quan tâm nên hỏng nhiều chỗ.Tôi về sống trong nhà của bố chồng, chỉ nói đến việc giỗ chạp cũng làm tôi chóng cả mặt. Họ hàng đông nên giỗ nào cũng làm rất to. Mọi người về chỉ mang theo gói bánh hay ít trái cây cho có lòng, còn tất cả mọi chi phí vợ chồng tôi đành bấm bụng chịu. Nhiều lúc vợ chồng tôi nói với bố làm đơn sơ thôi, nhưng ông không đồng ý, ông nói làm vậy ông cảm giác xấu hổ với họ hàng. Đã vậy sau mỗi lần giỗ, tôi còn phải dọn dẹp đến ngày hôm sau mới có thể đưa mọi thứ về đúng vị trí. Việc nhà việc trường căng thẳng, làm tôi mệt muốn đứt hơi.
Khoảng tám tháng trước, trong một lần giao lưu thơ văn người cao tuổi, ông gặp cô M, tuổi cũng ngoài 65. Cô M tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn còn rất ăn diện, mặt lúc nào cũng trang điểm, tóc tai nhuộm màu. Qua vài lần ông dắt về nhà chơi, vợ chồng tôi thấy cô không được đứng đắn. Nhưng bố chồng tôi chết mê chết mệt, ông bắt đầu thay đổi.
Ông vắng nhà thường xuyên, cứ mỗi chiều khoảng 4 giờ là ông đi cho đến 5 giờ sáng hôm sau mới về. Dù trời lạnh đến cắt da, hay mưa rất to ông vẫn không ở nhà. Tôi lo lắng cho sức khỏe của ông cũng như sợ ông già cả mắt mũi nhìn không rõ, bị chuyện này chuyện nọ. Vợ chồng tôi khuyên ông hết lời, nhưng ông không hề lay chuyển.
Trong buổi họp gia đình hồi tháng trước, ông đứng lên tuyên bố: “Tao cũng có quyền tự do của mình, tao cô đơn cần người chia sẻ, mấy đứa mày có quyền gì mà cấm đoán tao”. Chúng tôi nào có cấm đoán gì ông. Chỉ vì chúng tôi biết được ông đang bị cô M lừa gạt. Khi bao nhiêu tiền tiêu vặt mà anh em trong nhà dành cho ông đều không còn, lương hưu của ông cũng không đưa cho chúng tôi. Chúng tôi còn giận điên người khi phát hiện ra sổ tiết kiệm ông cũng đã đưa cho cô M. Vì vậy chúng tôi ra sức phản đối.
Tôi cảm thấy bức xúc vô cùng, tôi không thể hình dung được ông cụ tuổi gần 80 mà vẫn đòi cưới vợ. (Ảnh minh họa)
Tưởng đâu con cái nói như vậy ông sẽ nghĩ lại, nào ngờ cuối tuần vừa rồi ông nói chuyện với vợ chồng tôi. Ông nói cô M yêu cầu ông cho cô ấy một danh phận. Ông muốn chúng tôi làm một buổi lễ để đón cô M và rước cô về nhà cho ông. Ông còn nói thêm ông sẽ cùng cô M đi đăng kí kết hôn cho đúng pháp luật.Chồng tôi vô cùng tức giận, anh kiên quyết không đồng ý. Anh nói sẽ kêu anh em cùng ngăn cản. Bố chồng tôi quyết liệt: “Nếu tụi mày không đồng ý thì đi ra khỏi nhà, tao sẽ sửa lại di chúc”. Tôi không ngờ bố chồng mình như vậy, nghe ông nói mà cứ ngỡ bố là thanh niên tuổi đôi mươi bị tình yêu làm mờ lí trí.
Tôi cảm thấy bức xúc vô cùng, tôi không thể hình dung được ông cụ tuổi gần 80 mà vẫn đòi cưới vợ. Ông không thấy được vì thương ông mà vợ chồng tôi đã vất vả thế nào sao? Ông không nhận thấy người đàn bà mà ông quen chỉ đang lợi dụng ông hay sao? Ông không nghĩ cho sĩ diện của con cháu hay sao mà lại làm như vậy?
Nếu vợ chồng tôi đồng ý, chúng tôi phải chăm sóc cho cả hai người già. Rồi bà ta ngọt nhạt lời ra tiếng vào, ông có xiêu lòng mà giao hết nhà cửa cho bà hay không? Vợ chồng tôi rất đau đầu với biết bao nghĩ suy và lo lắng. Có nên cương quyết ngăn cản bố chồng hay để mặc cho ông thích làm gì thì làm?